https://www.facebook.com/creators/tools/mta#apply Review truyện ngôn tình hay nhất hiện nay: Review - Tịch mịch không đình xuân dục vãn - Phỉ Ngã Tư Tồn

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Review - Tịch mịch không đình xuân dục vãn - Phỉ Ngã Tư Tồn

Hai chữ thôi: tinh tế. Đừng nhìn tớ đọc tạp nham cổ đại xuyên không huyền huyễn chơi tuốt mà tưởng tớ dễ tính nhé, với tớ, truyện phải có không khí có hơi thở, cổ đại phải ra cổ đại kia. Mà trong cái thời buổi vàng thau lẫn lộn này, tìm được truyện thuần cổ đại. không YY chẳng dễ chút nào. Toàn mấy kiểu công chúa rồi thiên kim mà nhảy nhót suốt ngày, nhí nhảnh hơn cá cảnh thôi, hờ hờ, đọc thì cũng vui, nhưng không phải kiểu tớ thích cho lắm.

Tịch mịch ấy à, tớ không thích cái tên xuất bản, hai chữ ngắn ngủn quá, nguyên văn của nó là một câu thơ cơ mà: Sân không vắng vẻ tàn xuân, hoặc sát nghĩa hơn: Đình không vắng vẻ xuân sắp muộn. Truyện đặt ở bối cảnh triều Thanh, nhưng mình thấy cái vẻ cổ đại trong truyện xa xưa như thời Hán rồi ấy. Từng cái nhấc tay nhấc chân tuyệt đối đúng mực, trái ngược hoàn toàn với vẻ phóng khoáng cởi mở trong Đông cung là tác phẩm có bối cảnh cổ xưa hơn nó. Cốt truyện, như mọi tác phẩm khác của mẹ kế, không phải là cái gì quá phức tạp, nếu có ngoằn ngoèo dích dắc thì đấy là vì một nùi bi kịch xoắn vào nhau thôi :v Không quá phức tạp, tức là không có quá nhiều âm mưu dương mưu kế lồng trong kế rồi boss phản diện, trùm cuối blablo, mình thích và đánh giá cao truyện của Phỉ Ngã ở chỗ lời văn tinh tế và toát ra được bối cảnh cũng như thời đại mà câu chuyện diễn ra, tức là lấy một cuộc đời rất nhỏ để định hình một thời đại to.
Nữ chính Lâm Lang lớn lên ở nhà ngoại – phủ đệ đại nhân Nạp Lan Minh Châu, cùng với biểu ca Dung Nhược là thanh mai trúc mã. Thế nhưng hai người đã không còn cơ hội gặp lại nữa khi Lâm Lang trở thành cung nữ Tứ Chấp Khố, còn Dung Nhược làm ngự tiền thị vệ bên Hoàng đế Khang Hi. Trong một cuộc đi săn, Dụ Thân vương Phúc Toàn và thái giám Lương Cửu Công nảy ra ý muốn gán ghép Lâm Lang với Hoàng đế, từ đó Lâm Lang trở thành cung nữ ngự tiền, blablo… sau một hồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén thì ai cũng thấy Hoàng đế si tình với Lâm Lang đến hết thuộc chữa rồi, dạy nàng viết tên húy của mình là Huyền Diệp, vì nàng mà sẵn sàng đổi trắng thay đen vụ mất nhẫn ngọc… “Hoàng tổ mẫu, nàng không phải là mụn nhọt của Huyền Diệp, nàng là tính mạng của Huyền Diệp. Hoàng tổ mẫu tuyệt đối không thể lấy đi cái mạng này của tôn nhi được.”
Nhưng còn Lâm Lang thì sao? Tớ cá là nhiều bạn cũng như tớ, đọc hết truyện vẫn không thể xác định được cuối cùng Lâm Lang có yêu Hoàng đế không! Nếu không yêu, tại sao phải đỏ mặt? Nếu không yêu, tại sao không từ chối? Nếu không yêu, vậy những lo lắng quan tâm cho Hoàng đế, hoàn toàn chỉ là nghĩa vụ của một cung nữ, và sau này, một phi tần thôi ư? Nhưng nếu yêu, tại sao không thể rõ ràng minh triết như tình cảm trước kia với biểu ca Dung Nhược? Tại sao không tin Hoàng đế, tại sao cuối cùng vẫn phải kiếm một đứa con? Vì nàng tuệ chất lan tâm, sớm đã nhìn ra sủng ái của đế vương chỉ như phù vân chăng? Nhưng nếu tình cảm Hoàng đế dành cho nàng, không phải là sủng ái thì sao, nếu như, là chân tình thì sao?
Tình thâm bất thọ. Đến cuối cùng bên cạnh Hoàng đế chỉ còn lại bốn chữ này mà thôi.


Bởi vì người là Hoàng đế, bởi vì người phải kiên định quân tâm, bởi vì người không thể vì một nữ tử mà làm ra những chuyện hoang đường hết lần này đến lần khác, cuối cùng vẫn phải kết thúc thôi. Mình cảm thấy kết thúc sinh ly kiểu này còn đau hơn tử biệt như trong Tang Ca ấy, rõ ràng Lâm Lang còn đó, thậm chí cũng chẳng phải cách trở xa xôi, nàng vẫn là Lương tần đấy thôi, thậm chí hai người còn có Bát a ca, cuối cùng vẫn mãi mãi không đến được, vẫn cứ là Hòa phi nhận lấy hết thảy sủng ái hai mươi năm. Ngoại truyện, gì mà “nhớ đến khắc cốt ghi tâm mười năm, vô vọng mười năm, nàng vẫn đứng duyên dáng trước mắt như xưa”, tất cả chỉ là giấc mộng không thành của Hoàng đế thôi. Người trong cung tường, đã mãi mãi chẳng còn cạnh bên nữa rồi, chỉ có thể nhớ mà không thể gặp, gặp mà coi như chưa từng quen biết thôi.
Nhưng mình nghĩ, tất cả những sự mập mờ này, rằng Lâm Lang có yêu Hoàng đế không, hai người có còn gặp lại không, cũng như Hòa phi và Dận Chân có phải hữu duyên vô phận hay không, tất cả những sự không rõ ràng ấy, đã chừa lại một không gian cho chúng ta lý giải theo cảm nhận của chính mình.
Chính vì thế khi bộ này chuyển thể thành phim, tớ cực kì ghét cái chi tiết biên kịch chế thêm rằng Lâm Lang là con gái tội thần rồi hận thù tùm lum lên với Khang Hi, cái mớ cẩu huyết đó làm hỏng hết sự tinh tế của nguyên tác. Nguyên tác rất rất nhẹ nhàng, nhưng lại rất đau. Nghe nói mẹ kế bị trầm cảm, ừ, Tịch mịch không đình đúng là u uất đến điên luôn ấy, một năm vài độ máu M trỗi dậy tớ vẫn đem bộ này ra tu lại, hahah.

Nhãn: , , , ,